Công thức tính giá xăng dầu

Quy định về công thức tính giá xăng dầu được bổ sung tại Nghị định 80/2023/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Khoản 12 Điều 1 Nghị định 80/2023/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Điều 38a của Nghị định 95/2021/NĐ-CP, trong đó:

Công thức giá cơ sở

1. Giá cơ sở xăng dầu được xác định bằng (=) giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu nhân với (x) tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu cộng (+) giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước nhân với (x) tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, trong đó:

a) Các yếu tố hình thành giá cơ sở, trong đó có các khoản chi phí về thuế để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại Nghị định này chỉ để áp dụng tính toán giá cơ sở xăng dầu.

b) Tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở được xác định hàng quý; tỷ trọng sản lượng của quý trước liền kề được áp dụng để tính giá cơ sở cho các kỳ điều hành giá cơ sở của quý tiếp theo.

Định kỳ hàng quý, trên cơ sở số liệu cung cấp về sản lượng xăng dầu nhập khẩu của Bộ Tài chính và báo cáo sản lượng bán xăng dầu trong nước của các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu (từ ngày 21 tháng trước liền kề tháng đầu tiên của quý đến ngày 20 tháng cuối quý), cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu tính toán, xác định tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở.

c) Giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định bằng (=) giá xăng dầu thế giới cộng (+) chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam cộng (+) chi phí kinh doanh định mức cộng (+) mức trích lập Quỹ bình ổn giá cộng (+) lợi nhuận định mức cộng (+) chi phí về thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), thuế giá trị gia tăng) cộng (+) phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong đó:

– Giá xăng dầu thế giới do Bộ Công Thương xác định theo nguyên tắc tính bình quân theo số ngày có giá giữa hai kỳ công bố giá cơ sở của giá các sản phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế.

– Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam (gồm cộng (+) hoặc trừ (-) premium là yếu tố điều chỉnh giá trong hợp đồng nhập khẩu xăng dầu, chi phí bảo hiểm, chi phí vận chuyển và các chi phí phát sinh khác (nếu có), do Bộ Tài chính xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng xăng dầu nhập khẩu và thông báo để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức giá cơ sở. Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam định kỳ 3 tháng. Trường hợp trong tháng thực hiện, do yếu tố khách quan, chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam biến động với biên độ trên 100%, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; trên cơ sở báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh thời gian rà soát và công bố các khoản chi phí cho phù hợp.

– Chi phí về thuế nhập khẩu xăng dầu được xác định trên cơ sở mức thuế suất thuế nhập khẩu bình quân gia quyền nhân (x) (giá xăng dầu thế giới cộng (+) chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam) nhân (x) tỷ giá ngoại tệ. Trong đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu bình quân gia quyền được xác định theo quý trên cơ sở sản lượng xăng dầu nhập khẩu (trong khoảng thời gian từ ngày 21 tháng trước liền kề tháng đầu tiên của quý đến ngày 20 tháng cuối quý) và mức thuế suất thuế nhập khẩu bình quân gia quyền (%) của quý trước liền kề là căn cứ để tính giá cơ sở của quý tiếp theo. Tỷ giá ngoại tệ thực hiện theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2018 và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Mức thuế suất thuế nhập khẩu bình quân gia quyền (%) do Bộ Tài chính xác định và thông báo để Bộ Công Thương áp dụng tính chi phí về thuế nhập khẩu trong công thức tính giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu.

– Chi phí về thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) được xác định trên cơ sở giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt nhân (x) thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định trên cơ sở các yếu tố hình thành giá cơ sở do Bộ Tài chính hướng dẫn để Bộ Công Thương tính toán, áp dụng trong công thức tính giá cơ sở. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành.

Các chi phí về thuế bảo vệ môi trường (nếu có), thuế giá trị gia tăng, phí và các khoản trích nộp khác được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

– Chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do Bộ Tài chính xác định và thông báo hàng năm để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu.

– Mức trích lập Quỹ bình ổn giá thực hiện theo thông báo của Bộ Công Thương tại thời điểm công bố giá cơ sở.

d) Giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước

Giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước bao gồm các yếu tố và được xác định bằng (=) giá xăng dầu thế giới cộng (+) hoặc trừ (-) premium (nếu có) cộng (+) chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có) cộng (+) chi phí kinh doanh định mức cộng (+) mức trích lập Quỹ bình ổn giá cộng (+) lợi nhuận định mức cộng (+) các khoản chi phí về thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong đó:

– Premium để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước (nếu có) là yếu tố điều chỉnh giá trong hợp đồng mua bán xăng dầu giữa thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu hoặc doanh nghiệp được giao quyền bao tiêu toàn bộ sản phẩm xăng dầu của nhà máy lọc dầu; được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng. Premium đưa vào tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước tối đa không cao hơn giá thế giới bình quân nhân (x) thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất đối với mặt hàng xăng dầu theo cam kết quốc tế (trường hợp thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất đối với xăng dầu lớn hơn 0%).

Premium và chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có) do Bộ Tài chính xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng để áp dụng trong công thức giá cơ sở.

Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh mức Premium và chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có) định kỳ 3 tháng; trường hợp trong tháng thực hiện, do yếu tố khách quan, chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ biến động với biên độ trên 100%, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; trên cơ sở báo cáo các khoản Premium và chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng thực tế phát sinh tại các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh thời gian rà soát và công bố các khoản chi phí cho phù hợp.

Các chi phí thuế, phí và các khoản trích nộp khác được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

– Các yếu tố hình thành giá gồm giá xăng dầu thế giới, chi phí về thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, mức trích lập Quỹ bình ổn giá thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

Công thức tính giá cơ sở xăng sinh học

Công thức tính giá cơ sở xăng sinh học

2. Giá cơ sở xăng sinh học được xác định bằng (=) tỷ lệ phần trăm thể tích xăng không chì (%) nhân (x) {(giá xăng thế giới cộng (+) chi phí đưa xăng từ nước ngoài về cảng Việt Nam cộng (+) chi phí về thuế nhập khẩu xăng) nhân (x) tỷ trọng sản lượng xăng nhập khẩu cộng (+) (giá xăng thế giới cộng (+) premium cộng (+) chi phí đưa xăng từ nhà máy lọc dầu trong nước đến cảng (nếu có)) nhân (x) tỷ trọng sản lượng xăng từ nguồn sản xuất trong nước)} cộng (+) tỷ lệ phần trăm thể tích Etanol nhiên liệu (%) nhân (x) giá Etanol nhiên liệu cộng (+) chi phí kinh doanh định mức cộng (+) mức trích lập Quỹ bình ổn giá cộng (+) lợi nhuận định mức cộng (+) các khoản chi phí về thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành, trong đó:

– Tỷ lệ phần trăm theo thể tích của xăng không chì, tỷ lệ phần trăm theo thể tích của Etanol nhiên liệu áp dụng để tính giá cơ sở xăng sinh học theo quy định tại Nghị định này là tỷ lệ cao nhất được phép pha trộn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền phù hợp với từng chủng loại xăng sinh học; tỷ lệ pha trộn thực tế nằm trong giới hạn cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

– Giá Etanol nhiên liệu áp dụng trong công thức tính giá cơ sở xăng sinh học do Bộ Tài chính xác định và thông báo với Bộ Công Thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở.

– Các yếu tố hình thành giá gồm: Giá xăng thế giới, chi phí đưa xăng từ nước ngoài về cảng Việt Nam, premium để tính giá xăng từ nguồn sản xuất trong nước, chi phí đưa xăng từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có), chi phí về thuế nhập khẩu xăng, chi phí về thuế tiêu thụ đặc biệt, chi phí kinh doanh định mức, mức trích lập Quỹ bình ổn giá, lợi nhuận định mức thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

Rà soát điều chỉnh các yếu tố hình thành giá cơ sở

Rà soát điều chỉnh các yếu tố hình thành giá cơ sở

3. Rà soát điều chỉnh các yếu tố hình thành giá cơ sở

a) Định kỳ vào ngày 21 tháng cuối quý, thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sản lượng xăng dầu xuất bán chi tiết từng chủng loại từ ngày 21 tháng trước liền kề tháng đầu tiên của quý đến ngày 20 tháng cuối quý.

b) Định kỳ vào ngày 21 hằng tháng, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo giá Etanol mua trong nước, giá Etanol nhập khẩu, sản lượng Etanol mua trong nước và nhập khẩu tương ứng về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.

c) Định kỳ trước các ngày 21 tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12 hằng năm, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam; premium đối với nguồn trong nước; chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng (nếu có) về Bộ Tài chính. Thời gian thu thập số liệu cho kỳ báo cáo là ba (03) tháng và được tổng hợp từ ngày 01 của tháng thứ nhất đến ngày cuối cùng của tháng thứ ba (03) liền kề kỳ báo cáo và được thông báo vào ngày 10 tháng sau liền kề của kỳ báo cáo để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở, điều hành giá xăng dầu cho kỳ điều hành gần nhất tiếp theo.

Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm báo cáo trung thực, kịp thời và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ, thông tin, số liệu báo cáo về Bộ Tài chính.

d) Trước ngày 31 tháng 3 hằng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm kiểm toán riêng chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu gửi báo cáo về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để công bố vào ngày 01 tháng 7 hằng năm và áp dụng trong công thức tính giá cơ sở, điều hành giá xăng dầu cho kỳ điều hành gần nhất tiếp theo.

đ) Trường hợp ngày báo cáo trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định, việc gửi báo cáo được lùi sang ngày làm việc liền kề. Thương nhân đầu mối chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của số liệu báo cáo.

e) Trên cơ sở báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính tổng hợp, rà soát, trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu báo cáo bổ sung hoặc khảo sát thực tế để nắm bắt thêm thông tin để xem xét, quyết định chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, premium đối với nguồn trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có), chi phí kinh doanh định mức và thông báo để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức giá cơ sở.

4. Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành giá cơ sở.

 

>>>Xem thêm: Quy định về giá bán xăng dầu

Hãy ĐĂNG KÝ NGAY để được tư vấn giải pháp quản lý cửa hàng xăng dầu hàng đầu từ PIACOM.

Đăng ký ngay

Vote post
Contact Me on Zalo