Cấm sử dụng điện thoại di động tại cây xăng: Sự thật đằng sau những lo ngại

Quy định cấm sử dụng điện thoại di động tại trạm xăng không chỉ tồn tại Việt Nam mà còn được áp dụng ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Bạn có bao giờ thắc mắc: tại sao lại có lệnh cấm như vậy, liệu điện thoại thực sự có khả năng gây cháy nổ? 

Sử dụng điện thoại gây cháy nổ ở trạm xăng – Lo ngại này đến từ đâu? 

Bạn không thể sử dụng điện thoại tại trạm xăng vì một quan niệm phổ biến rằng thiết bị này có thể gây ra nguy hiểm cháy nổ. Những cảnh báo về nguy hiểm khi sử dụng điện thoại di động gần hơi xăng bắt đầu lan truyền trên Internet từ những năm 1990 về một tài xế bị bỏng và chiếc xe của anh ta bị hư hỏng nặng do một vụ nổ ở Indonesia và sau đó là những sự cố tương tự ở Jamaica, Úc,… Tuy nhiên, không một câu chuyện nào trong số đó từng được xác minh là sự kiện có thật và không có báo cáo nào về những tai nạn này. 

Sóng điện từ và pin lithium-ion trên điện thoại di động thường được cho là “thủ phạm” gây nguy cơ phát nổ. Vậy sự thật đằng sau những lo ngại này là gì? 

1. Sóng điện từ:

Lo ngại: Nhiều người cho rằng sóng điện từ phát ra từ điện thoại có thể gây ra tia lửa, dẫn đến cháy nổ tại cây xăng.

Sự thật: 

  • Sóng điện từ phát ra từ điện thoại di động thuộc loại sóng vô tuyến, có năng lượng rất thấp và không đủ để tạo ra tia lửa điện.
  • Để gây cháy nổ, cần một nguồn năng lượng lớn hơn nhiều so với năng lượng của sóng điện từ từ điện thoại. Các nghiên cứu khoa học chưa tìm thấy bằng chứng nào cho thấy sóng điện từ từ điện thoại có thể gây ra cháy nổ tại cây xăng.

2. Pin lithium

Lo ngại: Loại pin được sử dụng phổ biến trong điện thoại, có khả năng phát nổ nếu bị va đập mạnh hoặc tiếp xúc với nguồn nhiệt cao.

Sự thật: 

  • Năng lượng cần thiết để một tia lửa đánh lửa vào hơi xăng là 0,2 mJ, chỉ tương đương với 1/5.000.000 năng lượng được lưu trữ trong pin điện thoại đã sạc đầy và điện thoại thì không được thiết kế để tạo ra tia lửa. 
  • Pin lithium có thể phát nổ khi sạc nếu mạch điều chỉnh bên trong bị lỗi rất nhiều. Nhưng bạn thường không đồng thời sạc và nói chuyện trên điện thoại di động của mình khi tiếp nhiên liệu cho xe.
  • Việc sử dụng điện thoại bình thường trong điều kiện thông thường không gây ra nguy cơ cháy nổ cho pin, nguy cơ cháy nổ chủ yếu xảy ra khi pin bị lỗi, bị chập mạch hoặc bị tác động vật lý mạnh.  

(*) Theo bài báo của nhà khoa học nổi tiếng người Úc, tiến sĩ Karl Kruszelnicki

Như vậy, về mặt lý thuyết, khả năng gây ra cháy xăng bằng điện thoại là rất thấp.Tuy nhiêu, hầu hết các trạm xăng vẫn khuyên bạn không nên sử dụng điện thoại khi đang đổ xăng. Thiệt hại về người và của do cháy nổ tại cây xăng là rất lớn, do đó mọi rủi ro dù là nhỏ nhất đều phải được loại trừ.

Có nên sử dụng điện thoại di động ở trạm xăng?

Theo GMSA (Hiệp hội Hệ thống thông tin Di động toàn cầu), một số quốc gia trên thế giới duy trì lệnh cấm sử dụng điện thoại tại cây xăng với lý do liên quan đến sự mất tập trung khi bơm xăng hơn là lý do cháy nổ. Tương tự như sử dụng điện thoại khi đang lái xe, việc nhắn tin, chơi game, nghe điện thoại khi tự xăng có thể khiến bị xao nhãng khỏi những mối nguy hiểm tiềm ẩn xung quanh bạn như rò xăng, để máy nổ khi đổ xăng, bơm tràn xăng, v.v.

Xử phạt đến 5 triệu đồng nếu dùng điện thoại ở cây xăng

Tại Việt Nam, quy định về cấm được đưa vào Nghị định của Chính phủ lại nhằm mục tiêu bảo an toàn tối đa cho người dân và doanh nghiệp kinh doanh.

Khoản 1 Điều 35 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, đưa ra mức phạt như sau:

  • Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng: Mang điện thoại di động vào nơi có quy định cấm.
  • Phạt tiền từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng: Sử dụng thiết bị điện, điện tử ở nơi có quy định cấm. 

Khoản 1 Điều 12 Quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế của cửa hàng xăng dầu QCVN 01:2020/BCT (ban hành kèm Thông tư 15/2020/TT-BCT) quy định: “Tại cửa hàng xăng dầu phải niêm yết nội quy phòng cháy chữa cháy, tiêu lệnh chữa cháy, biển cấm lửa, biển cấm sử dụng điện thoại di động ở các vị trí dễ thấy, dễ đọc.”

QCVN 01:2020/BCT cũng đưa ra phân loại về các khu vực nguy hiểm cháy nổ và không nguy hiểm tại cây xăng. Trong đó: khu vực nguy hiểm có hai khu vực nguy hiểm chính: (1) khu vực chứa cột bơm, nơi thường xuyên thực hiện hoạt động bơm cấp xăng cho các phương tiện; và (2) khu vực bồn bể xăng dầu, đặc biệt nguy hiểm trong quá trình nhập hàng từ xe xi téc xuống bể chứa. Các hạng mục xây dựng khác ngoài 2 khu vực trên là vùng không nguy hiểm. Vùng nguy hiểm cũng cháy nổ cũng được phân cấp về nguy cơ (Zone 0, Zone 1, Zone 2) theo tần suất xuất hiện và tồn tại của khí nổ. Tuy vậy, lại không có chỉ dẫn chi tiết nào về đâu là khu vực cấm điện thoại và đâu là khu vực được sử dụng điện thoại. 

Lời kết

Mặc dù nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng không có bằng chứng xác thực về khả năng gây nổ cây xăng của điện thoại di động, nhưng khi một khi luật pháp quốc gia đã quy định, việc của chúng ta là tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành.

Điện thoại thông minh đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Đặc biệt trong thời đại không tiền mặt, người tiêu dùng rất thích sử dụng hình thức thanh toán bằng điện thoại (chuyển khoản, quét mã QR,…) và các cửa hàng xăng dầu bắt đầu chấp nhận rộng rãi hình thức thanh toán này. Tuy nhiên, cả người mua và người bán cần lưu ý tránh khu vực nguy hiểm cháy nổ để đảm bảo an toàn.

>> Xem thêm: Giải pháp Thanh toán Không tiền mặt tại cửa hàng xăng dầu 

Hãy ĐĂNG KÝ NGAY để được tư vấn giải pháp thông minh nhất cho cửa hàng xăng dầu của bạn.

Đăng ký ngay

Tham khảo

(1) Thông tư số 15/2020/TT-BCT của Bộ Công thương: Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu. https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=200539

(2) Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=204979&classid=1&typegroupid=4

(3) Mobile Phone Usage at Petrol Stations. GSMA. https://www.gsma.com/solutions-and-impact/connectivity-for-good/public-policy/wp-content/uploads/2006/03/gsma_mobile_phones_fuels.pdf

(4) Mobile phones and petrol stations. Dr. Karl Kruszelnick https://www.abc.net.au/science/articles/2006/11/30/1799366.html

5/5 - (1 bình chọn)
Contact Me on Zalo